Huyết áp là gì? Những điều cần phải biết – copy1

Tim mạch

Huyết áp từ lâu đã được xem như “thước đo” sức khỏe tổng quát, bởi những thay đổi dù nhỏ ở huyết áp cũng có thể báo hiệu các vấn đề về tim mạch, thận, hoặc rối loạn chuyển hóa.

Huyết áp là gì?

Huyết áp là lực tác động của dòng máu lên bề mặt bên trong của thành mạch. Huyết áp mà ta thường nói đó là huyết áp động mạch, là áp lực của máu lên thành động mạch mà ta đo được, Người ta cũng đo cả huyết áp tĩnh mạch trong một số trường hợp bệnh, điều này chỉ áp dụng trong bệnh viện khi thật cần thiết.
Áp lực của máu lên thành động mạch do hai yếu tố quyết định. Lực bơm từ tim cùng với khả năng co giãn đàn hồi của thành mạch.

Huyết áp là gì

Huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương (huyết áp tối đa, huyết áp tối thiểu)

Bình thường khi tim co bóp tống máu từ tâm thất trái vào động mạch chủ, nhờ sự co bóp đàn hồi của lớp cơ trong thành động mạch, máu lưu thông chạy theo hệ động mạch đi nuôi cơ thể. Khi tim co bóp, áp lực máu trong động mạch lớn nhất, gọi là huyết áp tâm thu hay huyết áp tối đa. Khi tim nghỉ, các cơ thành giãn ra tạo nên áp lực âm tính trong các buồng tim để hút máu về, Lúc này áp lực trong động mạch máu xuống thấp nhất, ta đo được huyết áp tâm trương hay huyết áp tối thiểu.

Máy đo huyết áp

Để đo huyết áp, người ta dùng huyết áp kế.
Có nhiều loại huyết áp kế: Huyết áp kế thuỷ ngân, huyết áp kế đồng hồ, huyết áp kế điện tử đo tự động. Huyết áp kế thuỷ ngân cho kết quả đo chính xác nhất, áp lực máu trong động mạch được tính bằng milimet trên cột thuỷ ngân. Huyết áp kế đồng hồ gọn nhẹ, tiện mang theo người. Huyết áp kế điện tử số khi sử dụng phải tuân theo sự chỉ dẫn, nếu không rất dễ sai số.

Trong những trường hợp đặc biệt, người ta đo huyết áp trong lòng động mạch bằng một dụng cụ chuyên khoa.

Huyết áp bình thường của người Việt Nam

Huyết áp của người bình thường ở Việt Nam theo kết quả điều tra của chương trình phòng chống bệnh tim mạch quốc gia là 120/70 mmHg.
Trong đó: Huyết áp trung bình ở nam là 122/76 mmHg
Huyết áp trung bình ở nữ là 119/75 mmHg.
Một người được coi là có huyết áp bình thường khi huyết áp tối đa nằm trong khoảng từ 100mmHg đến dưới 140 mmHg huyết áp tối thiểu từ 60 mmHg đến dưới 90 mmHg.

Khi huyết áp tối đa dưới 100 mmHg và huyết áp tối thiểu dưới 60 mmHg được coi là huyết áp thấp. Một người có thể bị huyết áp thấp cả tối đa và tối thiểu hoặc chỉ thấp một trong hai huyết áp đó.

Mức huyết áp bình thường ở vài nước khác

Mỗi dân tộc khác nhau, sắc tộc khác nhau, mức huyết áp trung bình có thể khác nhau. Người Châu Âu, Châu Mỹ có mức huyết áp cao hơn người Châu Á, nhưng cũng chỉ khác nhau trong giới hạn bình thường nói trên.
Bảng so sánh huyết áp của người Việt Nam và các nước khác:

Người nướcViệt NamBeninNhậtMỹ
Huyết áp tâm thu120,2124133,1136,6
Huyết áp tâm trương75818288,6

Khi huyết áp vượt trên mức 140/90 mmHg cả tối đa và tối thiểu hoặc chỉ một trong hai huyết áp trên cũng đều được coi là tăng huyết áp.

Những thay đổi sinh lý của huyết áp

Ở một người bình thường, huyết áp không phải lúc nào cũng ổn định, mà nó luôn luôn thay đổi tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng trong một giới hạn nhất định, đó là sự thay đổi sinh lý của huyết áp.

Huyết áp thay đổi theo thời gian

Trong một ngày, huyết áp thường tăng giảm theo thời gian. Điều này ghi nhận được nhờ một máy đo huyết áp tự động liên tục suốt 24 giờ trong ngày.
Gần sáng, huyết áp tăng dần lên, khi bừng tỉnh dậy tim làm việc mạnh lên và huyết áp tăng lên nhanh hơn. Trong ngày, huyết áp dao động nhẹ và tăng cao hơn vào khoảng 9-12 giờ trưa và cuối buổi chiều. Đêm, huyết áp lại xuống. Huyết áp thấp nhất vào khoảng ba giờ sáng.

Người ta cho rằng: Sở dĩ có sự thay đổi huyết áp trong ngày, là do sự ảnh hưởng của nhịp sinh học.
Chúng ta biết: Vũ trụ và các thiên thể cũng như quả đất chuyển động theo một nhịp điệu rất có quy luật và ảnh hưởng đến con người. Trải qua hàng triệu năm trong quá trình tiến hoá, con người đã thích ứng dần với các chu kỳ vật lý địa cầu đó. Các quá trình sinh lý xảy ra đã biến đổi nhịp nhàng với những tác nhân như ánh sáng, nhiệt độ, áp suất khí quyển.

Huyết áp thay đổi theo thời gian

Nhưng chính chuyển động quay của quả đất quanh trục trong 24 giờ là nguyên nhân chủ yếu của chu kỳ sinh học. Trước hết vì sự quay đó gây ra biến đổi của sự chiếu ánh sáng trên hành tinh chúng ta và là nguồn gốc của những nhịp điệu của nhiệt độ, độ ẩm không khí, cường độ bức xạ vũ trụ.

Có thể định nghĩa nhịp sinh học là những biến đổi có tính chu kỳ trong một cơ thể sống bởi một “Cấu trúc thời gian” xác định, giống như ruột đồng hồ sinh học (biological clocks). Còn khoa học nghiên cứu nó gọi là “thời sinh học”.
Một hội nghị quốc tế đã thống nhất gọi đồng hồ sinh học là CIRCADIAN.
Người ta biết trong cơ thể có 40 quá trình sinh lý có nhịp điệu Circadian như: Hoạt động cơ, thần kinh, nhạy cảm thị giác, hoạt động của tim, nhiệt độ cơ thể v.v…

Circadian huyết áp đã được một số nhà nghiên cứu xác định. Một nhà nghiên cứu người Mỹ: Millar Craig (1978) ghi huyết áp trực tiếp trong lòng động mạch một cách liên tục bằng cách cắm vào lòng động mạch một Canul (ống bằng nhựa): tiến hành cho 20 bệnh nhân, trong thời gian đo không uống thuốc huyết áp, đã thấy huyết áp trong ngày dao động theo một quy luật như đã nói ở trên.

Huyết áp thay đổi theo khí hậu, thời tiết

Huyết áp cũng tăng giảm theo thời tiết. Thời tiết lạnh, các mạch máu ngoại vi co lại nhằm hạn chế sự thoát nhiệt và giúp cơ thể duy trì nhiệt độ, từ đó khiến huyết áp tăng lên. Ngược lại khi trời nắng nóng, mạch ngoại vi giãn ra nhằm tăng sự thải nhiệt để điều hoà nhiệt độ cho cơ thể thì huyết áp lại hạ xuống.

Huyết áp thay đổi theo sự hoạt động

Huyết áp cũng tăng giảm tuỳ theo mức độ vận động của cơ thể (kể cả lao động chân tay và trí óc). Khi cơ thể tăng cường vận động, nhu cầu oxy và chất dinh dưỡng để bảo đảm cho hoạt động đó tăng lên, yêu cầu tim phải làm việc nhiều bằng cách tăng tần số và cường độ co bóp để đưa máu đến đó được nhiều hơn.

Huyết áp thay đổi theo sự hoạt động

Do đó, khi hoạt động nhiều, huyết áp tăng lên, khi nghỉ ngơi, huyết áp trở lại bình thường. Những khi lao động trí óc căng thẳng liên tục kéo dài, huyết áp có thể tăng lên cao, nếu ở người đã có huyết áp cao sẵn rồi thì nguy cơ dẫn đến tai biến mạch não nhiều hơn.

Huyết áp thay đổi theo tuổi

Huyết áp cũng tăng dần theo tuổi. Tuổi càng cao, hệ thống động mạch càng bị xơ cứng nhiều, sự co giãn, đàn hồi của thành động mạch kém đi, lòng động mạch cũng bị hẹp lại hơn, vì vậy huyết áp cũng tăng dần.
Công thức Lion được giảng dạy trong các trường đại học là.

  • Huyết áp tâm thu = Tuổi + 100 (mmHg).
  • Huyết áp tâm trương = Huyết áp tâm thu: 2 + 10 hoặc 20 (mmHg).

Ví dụ: Một người 60 tuổi.

  • Huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu) bằng: 60 tuổi + 100 = 160 (mmHg).
  • Huyết áp tối thiểu (huyết áp tâm trương) bằng: 160/2 + 10 hoặc 20 = 90 hoặc 100 (mmHg).

Theo công thức trên, ở người 60 tuổi có huyết áp là 160/90 (mmHg) thì có thể coi là tăng huyết áp do tuổi.
Giữa tuổi và con số huyết áp có nối quan hệ kiểu một hàm số tuyến tính dạng đường thẳng bậc nhất.
Trong đa số nhân dân thế giới, huyết áp tâm thu và tâm trương đều tăng theo tuổi cho đến 60 tuổi. Sau tuổi này, huyết áp tâm trương có xu hướng giảm, huyết áp tâm thu vẫn tiếp tục tăng làm cho khoảng cách huyết áp tâm thu, tâm trương xa ra.

Trẻ em dưới 10 tuổi trở xuống, huyết áp ở nam và nữ như nhau, sau đó huyết áp ở nam tăng nhanh hơn ở nữ. Ở tuổi từ 20 đến 40 tuổi, huyết áp tâm thu ở nam cao hơn hẳn ở nữ.
Một thống kê nước ngoài trên 111.687 người cho thấy tăng huyết áp theo tuổi như sau (K.G Johnson).

TuổiNamNữ
18-241.6%1.1%
25-344.8%3.1%
35-4413.4%8.4%
45-5418.9%18.2%
55-6423.3%31.8%
65-7430.3%49.9%
75-7941.6%35.6%

Tổ chức y tế thế giới tính khái quát:

  • Ở tuổi 35: Cứ 20 người có một người tăng huyết áp.
  • Ở tuổi 45: Cứ 7 người có một người tăng huyết áp.
  • Quá 65: Cứ 3 người có một người tăng huyết áp.

Huyết áp thay đổi do thuốc

Một số thuốc, không tính đến các loại chuyên trị tăng hoặc giảm huyết áp, cũng có thể làm thay đổi chỉ số huyết áp.

Huyết áp thay đổi do trạng thái tâm lý

Các trạng thái tâm lý như lo âu, bồn chồn, xúc động, tinh thần căng thẳng v.v… đều có ảnh hưởng đến huyết áp. Việc có mặt của một thầy thuốc uy tín cũng có thể làm huyết áp tăng lên trong lần khám đầu tiên. Tất cả các tác động tâm lý này, nếu ở mức độ mạnh, được coi là những kích thích (stress). Các stress này tác động lên tuyến thượng thận (đặc biệt là tủy thượng thận), làm tăng tiết catecholamine vào máu. Chất này gây co mạch và làm huyết áp tăng.

Tất cả các thay đổi huyết áp mang tính sinh lý bình thường đều chỉ nằm trong giới hạn huyết áp bình thường. Huyết áp có thể cao hơn mức bình thường nhưng sau đó tự hạ về mức cũ mà không cần phải dùng thuốc.

Phân loại tăng huyết áp

Tăng huyết áp là tình trạng huyết áp đo được cao hơn mức bình thường. Cụ thể:

  • Huyết áp tối đa (tâm thu) ≥ 140 mmHg, hoặc
  • Huyết áp tối thiểu (tâm trương) ≥ 90 mmHg.

Tăng huyết áp có thể là tăng cả huyết áp tâm thu và tâm trương, hoặc chỉ tăng một trong hai chỉ số trên.

Phân loại tăng huyết áp

Tăng huyết áp tâm thu đơn thuần

  • Định nghĩa: Huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg trong khi huyết áp tâm trương vẫn ở mức bình thường (dưới 90 mmHg).
  • Nguyên nhân thường gặp: Ở người cao tuổi, do mạch máu xơ cứng, giảm đàn hồi, làm tăng sức cản ngoại vi.
  • Biến chứng: Tăng huyết áp tâm thu đơn thuần dễ gây biến chứng ở tim và não, nguy cơ tử vong cao. Một số trường hợp khác có thể do tăng lưu lượng tim, như trong cường giáp hoặc hở van động mạch chủ v.v…

Tăng huyết áp tâm trương đơn thuần

  • Định nghĩa: Huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg trong khi huyết áp tâm thu vẫn bình thường (dưới 140 mmHg).
  • Quan điểm cũ: Tăng huyết áp tâm trương được coi là quan trọng hơn tăng huyết áp tâm thu, có mối liên quan chặt chẽ với bệnh mạch vành, nhất là ở người trẻ.
  • Quan điểm hiện nay: Nhiều nhà lâm sàng cho rằng cả tăng huyết áp tâm thu và tâm trương đều có nguy cơ gây biến chứng tim mạch đáng kể.

Tăng huyết áp giới hạn

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân chia tăng huyết áp thành hai mức độ: Tăng huyết áp giới hạn và Tăng huyết áp chính thức. Tăng huyết áp giới hạn (còn gọi là tăng huyết áp không bền):

  • Huyết áp tâm thu: 140 – 159 mmHg
  • Huyết áp tâm trương: 90 – 94 mmHg

Mặc dù mức tăng chưa quá cao, nhưng giai đoạn này vẫn có thể gây nhiều biến chứng. Một số nghiên cứu cho thấy số biến chứng trong tăng huyết áp giới hạn không hề ít hơn so với tăng huyết áp chính thức. Do đó, bệnh nhân cần được theo dõi và điều trị tích cực, đúng phương pháp, nếu không sẽ tiến triển thành tăng huyết áp chính thức.

Tăng huyết áp chính thức

Định nghĩa:

  • Huyết áp tâm thu ≥ 160 mmHg, hoặc
  • Huyết áp tâm trương ≥ 95 mmHg

Tăng huyết áp chính thức còn được gọi là tăng huyết áp bền vững. Trong phân loại này, người ta lại chia ra: tăng huyết áp nhẹ, vừa, nặng và rất nặng tùy thuộc vào giá trị huyết áp đo được.

Bảng phân loại tăng huyết áp theo mức độ huyết áp

Theo báo cáo tại Hội nghị Tim mạch toàn quốc tháng 11/1989 của Giáo sư Trần Đỗ Trinh (Viện Tim mạch Quốc gia), việc phân loại huyết áp theo các mức đo được giúp đánh giá huyết áp cao hay thấp, thấy được mức tăng huyết áp và có giá trị trong chỉ đạo sử dụng, điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp với từng bệnh nhân.
Tuy nhiên, do huyết áp dễ dao động (đặc biệt khi dùng thuốc hạ áp), cách đánh giá theo phân loại “cứng” về mức huyết áp cũng có hạn chế: nó không phản ánh đầy đủ các tổn thương do tăng huyết áp gây ra.

Mức huyết áp Huyết áp tối đa (mmHg) Huyết áp tối thiểu (mmHg)
Huyết áp thấp90-9940-59
Huyết áp bình thường100-13960-89
Tăng huyết áp giới hạn140-15990-94
Tăng huyết áp rất nhẹ160-16995-99
Tăng huyết áp nhẹ170-189100-104
Tăng huyết áp vừa190-219105-114
Tăng huyết áp nặng220-249115-139
Tăng huyết áp rất nặngLớn hơn 250Lớn hơn 140

Cũng có tác giả cho rằng, vì huyết áp luôn luôn dao động do nhiều yếu tố cho nên việc đánh giá tăng huyết áp dựa theo con số huyết áp là không khả quan.

Bảng phân loại tăng huyết áp của Mỹ

Gần đây nhất, tháng 10-1992 Ủy ban quốc gia Cộng hòa Hoa Kỳ (Joint National Committee) có sự nhất trí của Tổ chức y tế thế giới và Hội tăng huyết áp quốc tế (Societe Internationale d’Hypertension) đã trình bày tại Hội nghị tăng huyết áp cách phân loại như sau:
Các định nghĩa bệnh tăng huyết áp. (Báo cáo tháng 10-1992 của Ủy ban quốc gia Cộng hòa Hoa Kỳ)

Xếp loạiHuyết áp tâm thu (mmHg)Huyết áp tâm trương (mmHg)
Huyết áp bình thường13085
Huyết áp bình thường cao130-13985-90
Tăng huyết áp nhẹ (Giai đoạn I)140-15990-99
Tăng huyết áp vừa (Giai đoạn II)160-179100-109
Tăng huyết áp nặng (Giai đoạn III)180-209110-119
Tăng huyết áp rất nặng (Giai đoạn IV)≥210≥120

Đây là bảng phân loại tăng huyết áp mới nhất, đơn giản, dễ hiểu, có thể là tiến bộ nhất. So với bảng phân loại của ta đề nghị, thì cách phân loại này có một số điểm khác:

  • Mức huyết áp tâm thu rất nặng là ≥210 mmHg, thấp hơn so với bảng phân loại do G.S Trần Đỗ Trinh trình bày (250 mmHg).
  • Mức huyết áp tâm trương rất nặng là ≥120 mmHg, cũng thấp hơn của ta là ≥140 mmHg, như vậy là để cảnh giác sớm với bệnh hơn.
  • Không có từ tăng huyết áp giới hạn mà xếp ngay vào tăng huyết áp nhẹ luôn khi huyết áp tối đa là 140-159 mmHg.
  • Kết hợp mức tăng huyết áp và giai đoạn tăng huyết áp, chúng ta nên nghiên cứu áp dụng bảng phân loại này (theo đề nghị của G.S Trần Đỗ Trinh).

Phân loại tăng huyết áp theo giai đoạn bệnh

Việc phân loại tăng huyết áp theo con số huyết áp đo được có những hạn chế nói trên. Vì đo huyết áp luôn luôn dao động, có khi huyết áp đã hạ xuống ở mức bình thường nhưng bệnh tăng huyết áp lại đang ở giai đoạn nặng vì những biến chứng của nó.
Việc phân loại bệnh tăng huyết áp cũng không đơn giản, nó được tranh luận từ nhiều năm ở các nước Âu, Mỹ nhưng đến nay vẫn còn chưa thống nhất.

Tăng huyết áp theo giai đoạn bệnh

Trước đây, cách phân loại của Miaanhícop trong những năm 1940 ở Viện tim học lâm sàng Mát-xcơ-va làm quá chi tiết nên việc áp dụng trên lâm sàng nhiều khi rất khó khăn.
Năm 1978, trong Báo cáo kỹ thuật số 689 Tổ chức y tế thế giới đã công bố một cách phân loại tăng huyết áp theo mức độ nặng nhẹ của các tổn thương hay biến chứng do tăng huyết áp gây ra. Có ba giai đoạn:

  • Tăng huyết áp giai đoạn I: Không có một dấu hiệu tổn thương thực thể nào, chỉ khi đo có huyết áp cao mà thôi.
  • Tăng huyết áp giai đoạn II: Bệnh nhân có ít nhất một trong các dấu hiệu tổn thương thực thể sau đây:
    • Dày tâm thất trái thấy được trên X-quang, điện tim, siêu âm.
    • Hẹp lan rộng hay khu trú các động mạch võng mạc mắt.
    • Protein niệu và/hoặc Creatinin huyết tương tăng nhẹ.
  • Tăng huyết áp giai đoạn III: Bệnh nhân đã có tổn thương ở các cơ quan:
    • Tim: Có suy thất trái.
    • Não: Có xuất huyết não, tiểu não hay thân não, bệnh não do tăng huyết áp (Encéphalopathie Hypertensive).
    • Mắt: Có xuất huyết hay xuất tiết võng mạc, có thể có phù gai thị, các dấu hiệu này đặc trưng cho giai đoạn ác tính.
    • Ngoài ra còn có thể có: Cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, huyết khối động mạch trong sọ gây nhũn não, phồng tắc động mạch, suy thận.

Cách phân loại giai đoạn tăng huyết áp dựa vào tổn thương do nó gây ra có nhiều ưu điểm:

  • Hợp lý về mặt tổn thương.
  • Phân loại rành mạch, rõ ràng.
  • Dễ áp dụng: Không nhầm lẫn khi phân loại.
  • Vì vậy được áp dụng rộng rãi trên thế giới và ở nước ta.

Những nhược điểm của cách phân loại này là: Không hề tính đến con số huyết áp, mà con số huyết áp là một chỉ dẫn quan trọng cho việc sử dụng thuốc, điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp với từng bệnh nhân.
Hơn nữa, đánh giá được chính xác các tổn thương đã nói ở trên đòi hỏi phải có phương tiện máy móc xét nghiệm như X-quang, siêu âm, điện tim v.v… mà ở nhiều cơ sở y tế nước ta hiện nay chưa có, nên ở các cơ sở điều trị đó thì khó có thể phân loại tăng huyết áp theo giai đoạn bệnh một cách chính xác được.